Yodee

🤔“Làm sao cho con em ăn rau củ đây Bác sĩ?”❓

Bạn có biết rằng, những thói quen được hình thành từ những năm đầu đời sẽ theo trẻ suốt đời hay không? Và bạn chính là người sẽ quyết định sự phát triển khoẻ mạnh cho trẻ. Do đó nếu những quyết định không đúng đắn sẽ có thể gây ra hậu quả về sau. Những câu chuyện về nuôi dưỡng, bao gồm cả câu hỏi trên cũng vậy, đa phần la do lỗi của chúng ta.

Hầu hết các bố mẹ nghĩ rằng, khi bắt đầu ăn dặm thì chỉ ăn cho vui thôi, sau 1 tuổi mới ăn thật. Vì thế, một vài bố mẹ đã không thực sự nổ lực trong việc giới thiệu đa dạng các loại rau củ quả cho các bạn nhỏ ngay từ sớm mà chỉ tập trung rằng con phải uống sữa thật nhiều. Chưa kể với chỉ một vài lần giới thiệu mà con từ chối ăn, mẹ sẽ mặc định rằng con không thích loại rau này. Điều này chưa hẳn như vậy, đối với một món ăn mới trung bình phải sau 15 -20 lần giới thiệu thì bé mới bắt đầu muốn thử. Do đó cứ bình tĩnh bày một loại thức ăn mới bên cạnh thức ăn bé đã yêu thích, rồi bé sẽ thử ăn món mới thôi.

Chưa kể khi mới bắt đầu ăn dặm, đi phân ra thức ăn lợn cợn, các bố mẹ nghĩ ngay là do bé không tiêu. Thế là phải hạn chế ăn nhiều rau củ lại, sợ lạnh bụng. Rồi trẻ sẽ bị tiêu chảy, biếng ăn do lạnh bụng. Thực tế là các enzyme tiêu hoá tinh bột, chất béo hay chất đạm đang trong giai đoạn hoàn thiện. Sau 12 tháng tuổi các enzyme cũng mới hoàn thiện được 70%. Vậy thì việc đi phân có lẫn thức ăn là điều hết sức bình thường. Đó không phải là triệu chứng bất thường để bắt chúng ta phải hạn chế cho trẻ ăn các loại rau củ trong giai đoạn đầu ăn dặm này.

Trẻ con là một tờ giấy trắng. Chúng lớn lên nhìn theo, bắt chước và học hỏi từ chính bạn và những người xung quanh bé. Bạn nên cho bé ăn uống chung với gia đình càng sớm càng tốt. Vì không chỉ giúp thiết lập được thói quen ăn uống tích cực cho trẻ mà còn giúp trẻ có khả năng lựa chọn và tiếp nhận thức ăn một cách khoa học. Nói đơn giản, nếu bạn kén ăn, ăn phở bỏ hành, ăn thịt bỏ rau. Thì đừng hỏi sao con không muốn ăn rau nhé. Hãy là tấm gương cho trẻ noi theo các bố mẹ nhé!

Còn về chuyện nước ép trái cây thì sao? Nên khuyến khích trẻ ăn nguyên trái, đừng lạm dụng việc ép trái cây cho trẻ uống. Việc uống quá nhiều nước ép có thể dẫn đến việc tăng lượng đường trong chế độ ăn, dẫn đến thói quen thích ăn thức ăn có vị ngọt, tăng nguy cơ dư cân béo phì ở trẻ trong tương lai. Chưa kể khi ép ra như vậy, lượng chất xơ cũng đã giảm đi rất nhiều so với khi cho trẻ ăn nguyên trái. Nói đến đây có nhiều mẹ sẽ thắc mắc, vậy tại sao vẫn có nhiều chuyên gia dinh dưỡng vẫn khuyên cho trẻ uống nước ép. Đương nhiên là được, nhưng phải hạn chế, nên bắt đầu cho khi trẻ 1 tuổi trở lên và không nên quá 120 ml/ngày.

Một điều cực kỳ quan trọng mà các bố mẹ nên tập thành thói quen. Đó là giới thiệu cho các con về các loại rau quả, cũng như lợi ích của việc ăn chúng. Thông qua đó chúng ta có thể dạy cho con về màu sắc, biểu hiện cảm xúc khi trải nghiệm vị của loại rau quả đó. Hãy cho con biết đây là loại trái hay rau mà con có thể ăn được hay không? Cherry nhà Bác Chuột luôn đặt ra câu hỏi “cái này Ry có ăn được không?”, đây là thói quen được hình thành từ những ngày đầu khi mới tập ăn cho bạn í. Chúng ta luôn bắt đầu bằng những câu hỏi và trả lời thật chi tiết. Đừng dừng lại bằng câu trả lời hết sức đơn giản là “CÓ hoặc KHÔNG” mà luôn phải đi kèm một lời giải thích. Các bạn nên nói thật, đừng bịa ra câu trả lời. Vì khi con đủ hiểu rằng mình đã bị lừa, bạn sẽ bị mất niềm tin trong mắt các bạn nhỏ đấy!

Đừng cứ lúc nào cũng “con còn nhỏ, tập luyện gì. Đợi khi nó lớn, tự khắc nó ăn”. Nếu được vậy thì tốt quá. Nhưng chắc chỉ là hạt cát trong sa mạc. Đa phần là có vấn đề về nuôi dưỡng hết. Do đó hãy tập luyện kỹ năng ăn uống khoa học ngay ngay khi con bước vào giai đoạn ăn dặm. Nhưng dù đã làm đúng và đủ, bạn vẫn sẽ phải đối mặt việc con “KHÔNG, con KHÔNG muốn ăn rau”. Lúc này, việc bạn cần làm là hãy thật bình tĩnh. Tuyệt đối không được la mắng hay ép con ăn bằng mọi giá. Vì thực sự không hiểu quả. Đối với những bạn nhỏ từ 2 tuổi trở lên, khi nhận thức của bạn đã tốt hơn rồi. Hãy cho bạn quyền được tự lựa chọn rau củ khi đi chợ cùng và cố gắng hỏi bạn về lý do tại sao bạn chọn nó. Cho các bạn cùng rửa rau, cùng chế biến món ăn. Nhà nào có vườn thì cho các bạn cùng chăm bón, nhìn sự trưởng thành của chúng. Cộng với những bài học về lý do tại sao cần ăn rau, những câu chuyện về các bạn nhỏ bị khó đi poo poo vì không chịu ăn rau, thậm chí chính những trải nghiệm của các bạn nhỏ về những vấn đề đó. Bác tin rằng bạn nhỏ sẽ dần dần thay đổi thói quen của mình mà thôi. Điều quan trọng là các bố mẹ phải thật kiên nhẫn.

“Bác sĩ Chuột vẫn ở đây!” – là thông điệp cuối cùng mà Bác muốn gửi đến các bố mẹ. Đó là vẫn còn những Bác sĩ nhi khoa có thể giúp đỡ các bố mẹ trên hành trình nuôi dưỡng cho các con. Do đó khi bạn quá lo lắng về việc tăng cân của con, bạn quá mệt mỏi về việc con từ chối ăn rau, ăn thịt hay thậm chí trẻ có vấn đề tiêu hoá như táo bón hay tiêu chảy. Hãy đến gặp Bác sĩ nhi của con bạn. Chúng tôi luôn ở đây để đồng hành cùng bạn. Đừng bao giờ chọn “đơn độc” trên hành trình đầy khó khăn này, các bố mẹ nhé!

Nguồn: Dr Hoang Quoc Tuong

THÔNG TIN CHI TIẾT Sao chép link

Ngày đăng: 14/08/2022

Ngày kiểm tra: 22/07/2022

ĐÁNH GIÁ VI PHẠM

VIVD: Không vi phạm 

Văn bản xử lý
Không có tệp