"ĂN HẾT MIẾNG CƠM RỒI BÀ CHO XEM ĐIỆN THOẠI NÀO"!
- Ngừng thao túng, kiểm soát và nói dối trẻ nếu không muốn trẻ trở nên ích kỷ, nói dối và thao túng ngược trở lại người lớn.
Rất nhiều bố mẹ sau một thời gian gửi con cho ông bà thì... không nhận ra con mình. Mọi người đặt câu hỏi cho mình là Vì sao cho con ở với ông bà một thời gian thì sau đó lại trở nên "hư" hơn bình thường. Tạì sao con mình lại trở thành đứa trẻ đòi hỏi, than vãn, khóc lóc, rên rỉ mỗi khi muốn có được gì đó.
Bố mẹ có thể sẽ ngạc nhiên, thậm chí sợ hãi và tức giận. "Ôi em bé thiên thần của mình đâu rồi?", "Tại sao con lại biết giả vờ giả vịt?" Nếu bố mẹ không can thiệp ngay và luôn, nguy cơ những biểu hiện đó của con sẽ còn tiếp tục phát triển.
Giả vờ thực ra là một cách trẻ "thao túng" người lớn, khá thường gặp. Trẻ bắt đầu cư xử như vậy thường là do bắt chước từ người lớn hoặc ai đó xung quanh mình. Nhưng để thực sự bị "nhiễm" thói quen giả vờ này, một đứa trẻ cần ÍT NHẤT 1 LẦN THÀNH CÔNG khi chúng giả vờ và đạt được một lợi ích cá nhân nào đó.
Đừng vội trách con, hãy xem là người lớn chúng ta (không phải chỉ cả ông bà mà cả bố mẹ nữa) có đang làm đúng không đã nhé.
1. BẠN CÓ ĐANG THAO TÚNG CON MÌNH KHÔNG?
Hãy nhớ lại một chút. "Nào, con ăn hết bát cháo này bà/mẹ/bố sẽ cho con ăn kẹo nhé". "Con uống hết hộp sữa mình sẽ cho con đi chơi nhé"v.v.
Đưa con tới nhà trẻ, mẹ hứa sẽ đón lúc 4h và mang theo một món đồ chơi mới. Nhưng tới buổi chiều, mẹ không làm đúng như lời hứa (có thể vì lí do chính đáng, có thể vì mẹ cũng chỉ hứa suông để con an tâm vào lớp). Khi mẹ đón, con hỏi mẹ đồ chơi đâu, mẹ nói "Nếu con đòi hỏi, chủ nhật này mẹ sẽ không cho con đi công viên nữa".
Rõ ràng là, một em bé nhỏ không có khả năng tự vệ sẽ đổ lỗi cho mọi thứ.
Ông thì sợ con chơi bùn đất sẽ bẩn. Ông nói "Con mà làm bẩn quần áo lần sau bà sẽ không cho con đi câu cá nữa".
...
Nhiều ví dụ lắm, mình kể không xuể. Nhưng bạn thấy đấy, làm thế nào để trẻ vâng lời một cách tự nguyện, bằng cách hiểu được những yêu cầu thay vì một lời hứa hẹn dọa nạt?
Nếu con nghe lời một cách miễn cưỡng, thì đó không phải là MỘT LỜI NÓI DỐI CHO SỰ VÂNG LỜI sao? Không phải đó là một lời nói dối để KIỂM SOÁT đứa trẻ sao?
Quá nhiều người lớn mắc sai lầm này. Hay nói cách khác, nhiều người nghĩ nó vô hại.
Nó chỉ vô hại khi đứa trẻ nghe được lời giải thích, thuyết phục, nhìn và học theo tấm gương của người lớn.
Quan hệ giữa người lớn và trẻ, là quan hệ bình đẳng và thân thiện. Đừng nghĩ rằng bạn có thể áp đặt, kiểm soát hay ra lệnh vì bạn là người lớn.
NẾU MỘT EM BÉ TRỞ NÊN ÍCH KỶ VÀ CÓ BIỂU HIỆN NÓI DỐI, THÌ ĐÓ PHẦN NHIỀU LÀ VÌ NGƯỜI LỚN QUANH EM CHƯA ĐỦ TỐT.
Mọi thứ sẽ nghiêm trọng hơn, khi mà em bé bắt đầu học cách thao túng một ai đó và nhất là những thao túng này mang lại thành công.
- Bà không cho con ăn kẹo thì con sẽ không ăn cơm.
- Ông không cho con đi câu cá con sẽ không chơi với ông nữa.
- Bố mẹ không cho con xem con sẽ không yêu bố mẹ nữa.
Làm sao một đứa trẻ có thể TỰ NÓI RA những điều này? Không có đứa trẻ nào sinh ra có thể nói ra được những điều này. Và trước khi trở thành những "kẻ" thao túng, trẻ phải trở nên ích kỷ trước.
2. LÀM SAO ĐỂ NGỪNG THAO TÚNG CON?
Nếu em bé KHÔNG ĐƯỢC CUNG CẤP SỰ ĐỘC LẬP trong một thời gian dài, được bao quanh bởi sự SIÊU CHĂM SÓC, CHIỀU CHUỘNG - các em sẽ lớn lên một cách ích kỷ.
Những nỗ lực đầu tiên trong thao túng của con đó là tỏ ra dễ thương và ngây thơ. Ngã không đứng dậy, nằm khóc lăn lộn. Rồi muốn được rửa tay hộ, muốn ăn kẹo, ăn kem.
Lớn hơn một chút, chúng có thể nói "Bà ơi, bà có yêu con không. Bà cho con xem TV nửa tiếng nhé" hoặc là "Mẹ cho con ăn kem đi, xong con sẽ dọn đồ chơi"...
Đừng để bản thân bị lôi kéo vào một cuộc mặc cả, bạn sẽ thua nhanh chóng.
Hãy nói với con nhẹ nhàng nhưng kiên quyết "Mình sắp đến giờ ăn trưa, con không nên ăn bất cứ thứ gì".
Điều quan trọng là bạn phải:
- Giữ lời hứa, đừng để lời nói gió bay
- Không thao túng trẻ và không cho phép trẻ thao túng mình
Từ chối các đề nghị của trẻ không có nghĩa là gián đoạn giao tiếp hay tương tác. Điều quan trọng là nói rõ hành động bạn làm. "Hãy cho mẹ biết con muốn mẹ làm gì". Giải thích liệu bạn có thể làm theo yêu cầu của con không, nếu không thì tại sao.
Để mối quan hệ giữa người lớn và trẻ có tính hợp tác, bình đẳng thì điều quan trọng là phải có được lòng tin của con - điều này rất quan trọng khi bạn thực hiện lời hứa. Hãy trở thành tấm gương cho trẻ.
Hãy cho con có cơ hội ra quyết định và được giúp đỡ người khác. Điều đó giúp con tự tin vào thế mạnh cũng như hình thành "tình bạn" với bố mẹ, người lớn.
Nhu cầu thao túng người lớn, sử dụng chiêu thức lừa dối và sự giả vờ sẽ biến mất 🙂
--
Vài lời chia sẻ cá nhân:
Có thể nhiều ông bà đọc bài viết này sẽ không hài lòng, nhưng nó là sự thật, người lớn - mà ở đây là ông bà cũng rất cần phải thay đổi để việc nuôi dưỡng trẻ tích cực hơn, yêu thương chiều chuộng không thôi là chưa đủ ạ. Trong cuộc sống bận rộn hiện tại, việc có thể nhờ ông bà trông nom giúp trẻ là một điều rất cần thiết và đáng trân quý. Mình đã có nhiều năm ở xa nhà, chăm con một mình, nên lại càng trân trọng những giây phút được ông bà giúp đỡ. Tuy nhiên, chúng ta nên làm rõ trách nhiệm và quyền hạn khi có sự kết hợp chăm sóc của nhiều người lớn (thay vì chỉ có bố/,mẹ) đồng thời xác định và thỏa thuận rõ với nhau về cách thức chăm sóc, dạy dỗ để tránh đứa trẻ trở thành một sản phẩm do giáo dục kiểu "đẽo cày giữa đường".
Bố mẹ đừng nên tặc lưỡi "Thôi có ông bà giúp là may rồi". Và ông bà cũng đừng quá cứng nhắc kiểu "Ngày xưa tao nuôi dạy chúng mày nên người được thì giờ đến cháu sao lại không thể?" - tâm lý hành xử của cha mẹ - con cái thì khác nhiều so với ông bà - cháu.
Những cuộc thảo luận và thống nhất một cách bình đẳng, cởi mở, hợp tác giữa ông bà - bố mẹ cũng sẽ là một "hình mẫu" để trẻ nhìn vào và học theo.
Nguồn: Linh Phan/ Gentle Parenting Coach
#KidsPlaza
THÔNG TIN CHI TIẾT Sao chép link
Ngày đăng: 26/06/2022
Ngày kiểm tra: 03/06/2022
ĐÁNH GIÁ VI PHẠM
VIVD: Không vi phạm