Yodee

5 SUY NGHĨ SAI LẦM VỀ VIỆC TĂNG CHIỀU CAO CỦA CON.

Theo kết quả thống kê dinh dưỡng Việt Nam năm 2020, cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên tăng hơn so với 10 năm trước đối với nam là 3,7cm và nữ 2,6cm. Tuy nhiên dù có tăng lên như vậy, chúng ta vẫn nằm trong số những nước có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới. Vậy chiều cao có thực sự quan trọng hay không? Câu trả lời của mình là có nhé. Cao làm gì cũng lợi thế cả, nên đừng kiểu cố biện hộ là chiều cao về trí tuệ hay nét đẹp tâm hồn thì thiết yếu hơn. Thôi thôi, nếu đầu tư mà có cả hai thì vẫn là tuyệt vời nhất nhé. Chứ như Bác đây nếu được bé lại là phải can thiệp tối đa để cao một xí để còn thử sức làm model nữa chứ.

🍀 Sai lầm 1: Bố mẹ thấp thì con sao mà cao được. Chúng ta vẫn hay nghe những câu kiểu “cao hay không là do gen”, “bố mẹ không cao thì con lấy gì mà cao”. Chuyện chủng tộc, bộ gen quyết định đến chiều cao của các con hẳn là không sai, nhưng không phải là tất cả. Vì chúng ta vẫn có thể tác động để cải thiện được chiều cao của con chúng ta một cách tối ưu nhất. Trong nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ dinh dưỡng quyết định rất nhiều trong việc làm bệ phóng giúp các gen quy định vóc dáng phát huy hết khả năng của nó. Do đó gen không phải là yếu tố duy nhất đâu nhé. Dinh dưỡng quan trọng ngay từ giai đoạn còn trong bào thai cho đến lúc bé dậy thì. Đặc biệt dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời và giai đoạn tiền dậy thì ảnh hưởng phần lớn đến sự phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai. Ngoài ra những yếu tố như vận động, giấc ngủ cũng góp phần giúp phát triển chiều cao tối ưu nhất. Nhờ những yếu tố đó mà giờ có những gia đình con cao hơn bố mẹ cả chục cm là chuyện bình thường.

🍀 Sai lầm 2: các bố mẹ Việt Nam thường nghĩ rằng, sữa là thức ăn chính giúp tăng chiều cao, nên phải cho con uống càng nhiều càng tốt. Đây là sai lầm khá thường gặp của các bố mẹ. Sữa thực sự chỉ là thức ăn chính trong giai đoạn con dưới 6 tháng tuổi, giai đoạn này con phụ thuộc hoàn toàn vào sữa. Còn khi con lớn lên, sữa dần dần chỉ trở thành một thực phẩm bổ sung. Thay vào đó việc ăn dặm, tập nhai, ăn đa dạng các loại thực phẩm mới là điều cần thiết cần phải làm cho các con. Không thể nào có chuyện càng lớn con vừa phải uống được nhiều sữa, vừa phải ăn thật nhiều cả. Nếu như thế chắc con sẽ tăng nguy cơ dư cân, béo phì. Mà như vậy rõ ràng trẻ sẽ to béo chứ không thể to cao như bố mẹ mong muốn. Một em bé dư cân béo phì trước hai tuổi còn là một trong những yếu tố nguy cơ của thấp lùn trong tương lai. Do vậy khi con càng lớn, các bố mẹ hãy tập trung vào chuyện cho con ăn nhiều hơn là cứ thúc con uống thật nhiều sữa.

🍀 Sai lầm 3: Cho trẻ tập trung vào ăn nhiều đạm, kiêng tinh bột cho con để tăng chiều cao. Điều này hoàn toàn không đúng. Trong giai đoạn từ 1 – 6 tuổi, tinh bột phải chiếm nhiều nhất trong khẩu phần ăn của con #30%, trong khi đạm chỉ cần #15% mà thôi. Tinh bột và ngũ cốc là nhóm thức ăn chính tạo năng lượng, giúp con phát triển thể chất trong giai đoạn này. Trẻ đang trong độ tuổi có tốc độ tăng trưởng cao chứ không giống chúng ta đang ở giai đoạn lão hoá, mà phải kiêng tinh bột. Cùng với tinh bột, chất xơ cũng là thành phần cần chú trọng trong giai đoạn này, nên ăn đủ 5 bữa một ngày (3 bữa chính + 2 bữa phụ). Còn ăn đạm ít lại, điều này liên quan đến chức năng gan thận cũng như hệ tiêu hoá của trẻ chỉ mới trưởng thành tầm 70% khi trẻ mới bước qua tuổi thứ 1 mà thôi. Việc làm quen và ăn đạm từ từ sẽ phù hợp hơn với trẻ, không gây ra những vấn đề sức khoẻ cho các con trong độ tuổi này cũng như về sau. Các bố mẹ chú ý thay đổi về tỉ lệ các chất trong khẩu phần ăn cho các con từ hôm nay nhé!

🍀 Sai lầm 4: Không chú trọng vai trò của bữa sáng. Theo báo cáo của Hiệp Hội dinh dưỡng Châu Âu, Hà Lan là quốc gia có tỉ lệ trẻ hoàn thành tốt bữa sáng cao nhất, đó cũng là một trong những lý do giúp Hà Lan là nước đi đầu về chiều cao trên thế giới. Bữa sáng quan trọng đến sự tăng trưởng của trẻ, và cả sự phát triển về nhận thức và khả năng học hỏi của trẻ ở trường. Do đó việc hình thành thói quen ăn sáng đầy đủ cần được thiết lập từ sớm. Ở Việt Nam các bố mẹ thường vì xót con, sợ con khóc nên duy trì việc bú đêm khi con ngủ rất lâu về sau, ngay cả khi con trên 2 tuổi. Điều này không chỉ làm rối loạn giấc ngủ mà còn làm cho bữa sáng của trẻ trở nên khó chịu vì cả đêm bé đã tiêu thụ quá nhiều sữa. Nếu muốn bữa sáng ngon miệng thì đêm phải ngủ ngon và không ăn uống gì khi ngủ. Các bạn thử ăn đêm rồi sáng ra coi có cảm giác muốn ăn sáng không? Vậy thì hãy bắt đầu tập cai bú đêm cho con càng sớm càng tốt, từ 6 tháng tuổi trở đi. Hãy nhớ để con “Cry it out” không đồng nghĩa với việc không yêu thương và bỏ mặc con. Bạn chỉ đang làm điều tốt và đúng đắn cho con mình mà thôi.

🍀 Sai lầm 5: Muốn tăng chiều cao cho con nghĩ ngay đến việc bổ sung Canxi. Điều này không sai hoàn toàn nhưng không đầy đủ. Ngoài các chất dinh dưỡng như tinh bột, đạm, chất xơ chất béo, thì một số vitamin khoáng chất quan trọng đến sự phát triển chiều cao bao gồm Canxi, sắt, Vitamin D, Vitamin K2…….Tuy nhiên đa phần các bé lại ít thiếu Canxi mới hay chứ. Nhu cầu Canxi của bé dưới 6 tháng tuổi # 200 mg; 7 -12 tháng #260 mg; 1 -3 tuổi # 700 mg; 4 – 8 tuổi # 1000mg; 9 -18 tuổi #1300 mg. Uống 1 cup sữa bò (237ml) đã có 276 mg; 1 cup cải Kale có 94 mg; 100 gram hạnh nhân có 264 mg; 100 gram mè có 974 mg Canxi. Nói chung nếu uống sữa cùng các bữa ăn hàng ngày là đã thu nạp đủ lượng Canxi cho bé rồi. Vì vậy khả năng thiếu canxi rất thấp. Trong khi đó Vitamin D thường dễ thiếu hơn ở trẻ em vì có rất ít trong sữa mẹ cũng như các loại thực phẩm. Do đó mà các Bs nhi khoa thường khuyến cáo nên bổ sung Vitamin D cho bé với liều 400 UI/ngày. Vì nếu thiếu hụt Vitamin D thì cơ thể không hấp thu được Canxi. Còn lựa chọn D2 hay D3 đều được, miễn tiện lợi. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy D3 làm tăng và ổn định nồng độ vit D huyết thanh tốt hơn D2. Gần đây có nhiều nghiên cứu cho thấy Vitamin K2 có sự liên quan trong việc định hướng canxi vào xương, từ đó thúc đẩy quá trình tạo xương. Bố mẹ có thể chọn những sản phẩm bổ sung có sự phối hợp Vitamin D3 và K2 như LineaBon kèm các bữa ăn vừa tiện lời vừa bảo đảm đầy đủ, không thừa không thiếu.

Các bố mẹ thấy mình có bao nhiêu sai lầm trong bài viết này, nói Bác biết với nhé!

Nguồn: Dr Hoang Quoc Tuong

THÔNG TIN CHI TIẾT Sao chép link

Ngày đăng: 10/06/2022

Ngày kiểm tra: 18/05/2022

ĐÁNH GIÁ VI PHẠM

VIVD: Không vi phạm 

Văn bản xử lý
Không có tệp