Yodee

📝 Một trong những nguyên tắc quan trọng để dạy con tích cực và uốn nắn hành vi của con hiệu quả, đó là thiết lập giới hạn và đảm bảo con hiểu được giới hạn của mọi tình huống.

Có 5 lỗi thường gặp khiến cho việc thiết lập giới hạn không hiệu quả. Đó là gì?

1️⃣. Không nhất quán

Con sẽ rất khó hiểu được về giới hạn khi người lớn không nhất quán và thống nhất với nhau. Ví dụ điển hình thường thấy là khi mẹ kiên quyết không đồng ý một “yêu sách” nào đó của con, nhưng sau 3-5 phút quấy khóc, thì bố hoặc ông bà lại mủi lòng, xót con thương cháu và chiều theo ý con.

Khi việc này diễn ra thường xuyên, con sẽ hình thành niềm tin rằng: “mình chỉ cần cố khóc đủ lâu thêm một tí, chắc chắn sẽ có người chiều mình.”

2️⃣. Không rõ ràng

Người lớn thường hay có xu hướng nói “Không” và Từ chối con, ngăn cản con, nhưng không đưa ra định hướng làm gì tiếp theo, cũng không giải thích cho con biết lí do vì sao con không nên làm như vậy.

Chẳng hạn, khi con định sờ vào chiếc bình hoa pha lê, người lớn thường lên giọng cảnh báo con: “Đừng có sờ vào làm vỡ của mẹ đấy!” – và chấm hết. Có thể trong đầu con đang diễn ra những câu hỏi sau: “Vậy mình nên làm gì nhỉ? Vì sao nó lại vỡ nhỉ? Vỡ là thế nào nhỉ? Vỡ xong rồi sao nhỉ?”

Thay vào đó, nếu mẹ tiến đến gần, ngồi xuống ngang tầm con, giải thích rõ ràng: “Bình hoa này rất nặng, con ôm thử xem, nếu con sơ ý làm bình hoa rơi xuống đất vỡ, mảnh vỡ có thể cắt vào chân làm con đau và chảy máu, nên con đừng chơi quanh chỗ này nữa. Mình ra kia chơi trò khác nhé!” – khi con hiểu rõ ràng và liên kết được sự việc có liên quan đến con như thế nào, con sẽ dễ hợp tác với yêu cầu của bố mẹ hơn.

3️⃣. Không hợp lý

“Mẹ nói một lần nữa, không tắt tivi đi thì mẹ vứt luôn tivi ra đường nghe chưa!”
“Không tắt tivi đi thì cấm tiệt không được xem trong 2 tuần nữa”
“Còn giành nhau nữa thì cấm tiệt hai đứa không được chơi với nhau luôn!”

Nếu khi tức giận, người lớn thường đe dọa con về những hệ quả chắc chắn không bao giờ diễn ra, con sẽ mất niềm tin vào lời nói của người lớn. Dần dà, con sẽ hiểu rằng: “Chỉ dọa mình thôi, không bao giờ làm đâu, nên mình sẽ không sợ.”

Hoặc, nếu người lớn thường xuyên dùng lời đe dọa như câu cửa miệng để bắt con phục tùng, con có thể sẽ phát triển thái độ thách thức, chống đối để “chứng tỏ quyền lực” của bản thân. Và không khí căng thẳng chắc chắn sẽ leo thang.

4️⃣. Không tôn trọng

Một sai lầm khác thường gặp đó là bố mẹ có xu hướng áp đặt thái quá, với suy nghĩ là “Trẻ con thì biết gì đâu”, và quên mất rằng người lớn cũng cần lắng nghe suy nghĩ và ý kiến của trẻ con.

Để việc thiết lập giới hạn hiệu quả hơn, đặc biệt là với trẻ lớn, bố mẹ hãy hỏi thăm và lắng nghe ý kiến của con, có sự trao đổi hai chiều để đạt được thỏa thuận chung mỗi khi ra một quy định mới. Nếu ý kiến của con hợp lý, bố mẹ hãy chấp thuận. Khi con thấy mình được lắng nghe, con sẽ hiểu rằng bố mẹ tôn trọng mình, và mình cũng nên tôn trọng suy nghĩ của bố mẹ.

Tuy nhiên, cần lưu ý, đừng biến cuộc trò chuyện thành cuộc thương lượng không hồi kết và cuối cùng bố mẹ phải nhượng bộ theo yêu cầu của con.

5️⃣. Không làm gương

Sai lầm cuối cùng bố mẹ thường mắc phải dẫn đến việc thiết lập giới hạn không hiệu quả chính là người lớn không làm gương cho con trẻ. Con trẻ học tất cả mọi thứ qua việc quan sát và bắt chước người lớn.

Cho dù bố mẹ có nói ngàn lần rằng: “Con nói nhỏ thôi không được to tiếng hét lên”, nhưng lại thường xuyên quát con hay nói lớn tiếng với mọi người trong nhà, thì việc con không la hét nữa sẽ chẳng bao giờ xảy ra.

Hay bố mẹ yêu cầu con phải tập trung ăn uống, không xao nhãng lo ra, nhưng chính bố mẹ lại vừa ăn cơm vừa chơi điện thoại, thì con sẽ không thể có tác phong ăn uống lành mạnh đúng cách được.

Để thiết lập giới hạn và dạy con hiệu quả, theo cách tích cực nhất, bố mẹ hãy làm gương và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình trước đã, bố mẹ nhé!

Nguồn: Tu-Anh Nguyen

THÔNG TIN CHI TIẾT Sao chép link

Ngày đăng: 06/06/2022

Ngày kiểm tra: 15/05/2022

ĐÁNH GIÁ VI PHẠM

VIVD: Không vi phạm 

Văn bản xử lý
Không có tệp