Yodee

DẠY CON “KIỂU TÂY” hay “KIỂU TA”? HÃY DẠY CON NHƯ MỘT CÁI … CÂY

[bài viết của mình đăng trên vnexpress sáng hôm qua]

Khi theo dõi những quan điểm và đọc những ý kiến của độc giả về việc dạy con theo “kiểu ta” (truyền thống, chăm bẵm, sát sao…) hay “kiểu tây” (hiện đại, tự lập, không bảo bọc…), dựa trên kinh nghiệm làm việc sát sao với nhiều phụ huynh sống ở cả Việt Nam lẫn ở nước ngoài, tôi muốn chia sẻ: Thật ra, “Tây” thì cũng có Tây “this” và Tây “that” (loại này, loại kia - nói theo ngôn ngữ giới trẻ). Những bà mẹ tôi đã làm việc cùng, hiện sống ở các nước phương Tây như Phần Lan, New Zealand đều chia sẻ rằng quanh họ không thiếu những bà mẹ Tây da trắng tóc vàng cũng chạy theo đút từng muỗng cơm cho con, hoặc bế bồng ấp ủ con cả ngày khi con khóc nhiều, chứ không phải là cứ để cho con tự khóc tự nín.

Tôi nghĩ rằng, khi nói “dạy con kiểu Tây”, có lẽ hàm ý người nói muốn vươn đến một mục tiêu dạy con khác biệt với cách mà thế hệ trước vẫn làm từ ngày xưa, mà họ không đồng tình và không muốn làm theo. Là một người làm chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý phát triển trẻ nhỏ, tư vấn cho các phụ huynh, sống và làm việc toàn thời gian ở Việt Nam nhưng may mắn được thụ hưởng chương trình Cử nhân của Úc và Thạc sĩ Tâm lý của Mỹ, bản thân tôi muốn ghi nhận rằng sự khác biệt ban đầu là nền tảng và giá trị văn hoá. Châu Á phần lớn đề cao giá trị cộng đồng, còn phương Tây thì đề cao giá trị cá nhân trong xã hội. Đó là xuất phát điểm khác biệt về bản chất các mối quan hệ trong gia đình. Và đương nhiên, mọi thứ đều có hai mặt được mất của nó, tuỳ vào hệ quy chiếu của bản thân mỗi người.

Quay trở lại chủ đề bàn luận, tôi muốn chia sẻ quan điểm: “Hãy làm cha mẹ như một người làm vườn, chứ đừng làm người thợ mộc”.

Đây không phải là triết lý tôi tự nghĩ ra, mà tôi đã vô cùng tâm đắc khi được lĩnh hội trong quá trình học và nghiên cứu. Làm cha mẹ như “người làm vườn” và “người thợ mộc” là hai khái niệm ẩn dụ để miêu tả về hai trường phái nuôi dạy con, được nêu ra bởi Giáo sư Tâm lý – Nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sự phát triển trẻ em Alison Gopnik (Đại học California, Mỹ). Triết lý này cũng được Giáo sư Gopnik viết thành quyển sách “The Gardener and The Carpenter”.

Theo cách ví von này, công việc của một người thợ mộc là đẽo gọt các tấm gỗ vô tri ra thành bất kỳ hình dạng nào mà họ muốn, chỉ cần có tay nghề điêu luyện. Tương tự, cha mẹ kiểu “thợ mộc” thường xác định sẵn trong đầu một mục tiêu và hình mẫu nhất định cho con, họ tin rằng chỉ cần có một công thức và chiến lược đỉnh cao, họ có thể vạch ra lộ trình và uốn nắn con đi theo để đạt được mục tiêu ấy. Do đó, các con thường ít được lắng nghe và ít có cơ hội được trải nghiệm đa dạng, ít được thử, ít được mắc sai lầm để học từ những kinh nghiệm đó.

Còn khi làm cha mẹ như một người làm vườn, chúng ta nhìn nhận mỗi đứa con là một hạt giống, một loài cây khác nhau, có những nhu cầu riêng và khác biệt hoàn toàn về cách chăm sóc và nuôi dưỡng. Việc của cha mẹ là tạo ra một hệ sinh thái và môi trường tốt nhất cho từng đứa con được tự do phát triển theo cách của con.

Để có thể chăm và dưỡng con phát triển tự nhiên một cách tốt nhất, cha mẹ cần quan sát, tìm hiểu bản chất, tính khí, và khả năng của con, lắng nghe nhu cầu của con và điều chỉnh cách tiếp cận con của chính mình. Cha mẹ hãy cho con được trải nghiệm thật nhiều, ở bên cạnh hướng dẫn khi con va vấp và mắc sai lầm – vì đây là cách cha mẹ có thể giúp con trang bị cho bản thân những kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc. Ngoài kiến thức, đây là những “vũ khí” lợi hại để con trở thành một cá thể vững chãi trong tương lai.

Hiểu một cách đơn giản, khi bạn được trao cho một hạt giống bắp cải, bạn sẽ không thể bắt nó nở thành bông hoa hồng.

Kể từ khi con chào đời, ông bà cha mẹ hãy tôn trọng con như một con người hoàn thiện, một cá thể độc lập, hãy tập lắng nghe, quan sát và đồng điệu với con ngay từ những ngày đầu tiên con đến với ta. Chúng ta có gì hơn những đứa trẻ? Chúng ta chỉ có nhiều kinh nghiệm và nhiều thời gian sống trên cuộc đời này hơn chúng mà thôi. Mà có ai dám chắc, những kinh nghiệm cá nhân chúng ta có đã là điều tốt nhất cho tương lai của chúng mà con buộc phải tuân theo?

Để có thể nuôi dạy con hiệu quả, cha mẹ cần lưu tâm và lớn cùng con trong mọi chặng đường phát triển. Mọi cách hành xử của con đều là sự phản chiếu và hoà nhịp vào cùng “tần số” mà cha mẹ “phát ra” với con mỗi ngày.

Khi có tinh thần thoải mái, tích cực và thái độ tự tin trong vai trò làm cha mẹ, khoảng cách giữa phụ huynh và con cái sẽ được rút ngắn và sợi dây kết nối được bồi đắp chắc chắn hơn, việc dạy con và giúp con phát triển tối ưu sẽ không còn là thử thách khó khăn hay xa vời nữa, mà sẽ là một hành trình đầy ý nghĩa và niềm vui.

Khi cái cây có một nền tảng gốc rễ vững chắc, càng lớn lên và càng vươn cao thì cái cây sẽ hiên ngang vững chãi. Nếu gốc yếu, đất xấu, cây càng cao càng yếu.

Khi chăm sóc cây, mỗi buổi sáng thức dậy ngắm nhìn cái cây lớn lên và thay đổi từng chút đã là một niềm hạnh phúc rồi. Còn để có thể tạc được hình bonsai, đó hẳn phải được gọi là nghệ nhân 🙂

Nguồn: Tu-Anh Nguyen

THÔNG TIN CHI TIẾT Sao chép link

Ngày đăng: 01/06/2022

Ngày kiểm tra: 13/05/2022

ĐÁNH GIÁ VI PHẠM

VIVD: Không vi phạm 

Văn bản xử lý
Không có tệp